Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, các tỉnh có điều kiện tương đồng nhau có thể nghiên cứu sáp nhập, hợp nhất cho phù hợp.
Nhiều xãtại huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) được sáp nhập, sắp xếp lại thành các xã mới. Ảnh: Phutho.gov.vn
Tại Kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thông tin về định hướng sắp xếp sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện chưa có tiêu chí cụ thể để thực hiện sáp nhập các tỉnh thành, song theo Nghị quyết 1211/2016 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Quy mô dân số của tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên; các tỉnh khác có quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên. Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000km2 trở lên, và các tỉnh thuộc vùng miền khác có diện tích phải từ 5.000km2 trở lên.
Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, theo nghị quyết, phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.
Năm 2021, Bộ Nội vụ được giao xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016, đã có 20 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất và dân số ít nhất ở Việt Nam, không đáp ứng được các tiêu chí nêu trên.
Thống kê mới nhất của Lao Động cho thấy nhiều tỉnh không đáp ứng tiêu chí của đơn vị hành chính cấp tỉnh theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi không đáp ứng về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện; hoặc không đáp ứng ba tiêu chí trên.
Đối với các tỉnh thành miền núi, có 8 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số là: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Đắk Nông, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình.
Đối với các tỉnh thành khác, có 13 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số là: Quảng Trị, Hậu Giang, Hà Nam, Bạc Liêu, Ninh Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hưng Yên, Bến Tre.
Ngoài ra, một số tỉnh không đáp ứng yêu cầu về số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là từ 9 đơn vị trở lên, như: Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long…
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ – cho rằng, nếu nghiên cứu sáp nhập các tỉnh liền kề nhau sẽ phải xem xét các tiêu chí về dân số và diện tích theo quy định.
Sau đó, mới xem xét tới các yếu tố khác như truyền thống văn hóa, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán,… như đã từng làm khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các huyện.
“Tỉnh khác với huyện, xã ở chỗ là tỉnh còn nằm trong các vùng kinh tế. Các tỉnh có điều kiện tương đồng nhau về điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai… có thể hỗ trợ phát huy thế mạnh của nhau thì nên nghiên cứu, tính toán để hợp nhất cho phù hợp” – ông Dĩnh nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh phải làm đồng bộ, tiến hành ngay, vì nếu tiến hành bỏ cấp huyện thì phải đồng thời làm luôn ở cấp tỉnh nếu không sẽ không tương ứng, không thống nhất, đồng bộ.