Tối 4/4, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk.
Cơ quan Điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can, trong đó có Phạm Quang Linh, còn gọi là Quang Linh Vlog, thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em rọt, và Nguyễn Thị Thái Hằng, tức Hằng Du mục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em rọt.
Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng.
Quang Linh Vlog và Hằng Du mục trong một phiên livestream. Ảnh: DV
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC) xoay quanh các vấn đề pháp lý liên quan.
Vì sao Quang Linh Vlog và Hằng Du mục bị bắt tạm giam?
Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tạm giam là biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có một trong các căn cứ sau:
Có dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Có nguy cơ bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc cản trở quá trình điều tra.
Hành vi phạm tội thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Luật sư Hoàng Văn Hà cho biết, trong vụ án này, tội sản xuất hàng giả là thực phẩm có khung hình phạt tối đa tù chung thân, thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu số lượng hàng giả đã tiêu thụ lớn, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, nếu không bị tạm giam, các bị can có thể tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục vi phạm.
Vì vậy, việc bắt tạm giam 5 bị can, trong đó có Quang Linh Vlog và Hằng Du mục là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quá trình điều tra được khách quan, đầy đủ và ngăn ngừa các hành vi cản trở tố tụng.
Mức án các bị can có thể đối mặt
Luật sư Hà nhận định, mức án các bị can có thể đối mặt sẽ phụ thuộc vào giá trị hàng giả đã sản xuất, số lượng tiêu thụ trên thị trường và mức độ thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng, trong đó mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm được quy định tại Điều 193:
Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Tội lừa dối khách hàng theo Điều 198:
Người nào trong hoạt động kinh doanh có hành vi gian dối về hàng hóa, dịch vụ, số lượng, chất lượng nhằm trục lợi từ 5 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, mức phạt có thể từ 5 đến 10 năm tù.
Yếu tố quyết định mức độ hình phạt?
Các bị can trong vụ án này bị khởi tố về hai tội danh: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (Điều 193) và Lừa dối khách hàng (Điều 198) theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Mức hình phạt sẽ được xác định dựa trên các yếu tố sau:
Số lượng sản phẩm giả đã tiêu thụ: Với hơn 100.000 hộp kẹo rau củ Kera đã được bán ra thị trường, đây là một vụ án có quy mô lớn, gây ảnh hưởng rộng rãi. Thiệt hại thực tế gây ra cho người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng để xác định mức phạt.
Hậu quả đối với sức khỏe người tiêu dùng: Nếu có người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, mức hình phạt sẽ tăng nặng, có thể lên đến tù chung thân theo quy định tại Điều 193.
Vai trò của từng bị can trong vụ án: Mức độ trách nhiệm của từng cá nhân sẽ được xem xét dựa trên hành vi phạm tội. Những bị can giữ vai trò chủ mưu, tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn có thể phải chịu mức án nghiêm khắc hơn so với người chỉ tham gia với vai trò giúp sức hoặc thực hiện theo chỉ đạo.
Tóm lại, mức án cụ thể sẽ phụ thuộc vào số lượng hàng giả tiêu thụ, hậu quả gây ra cho người tiêu dùng và mức độ tham gia của từng bị can trong vụ án. Những người có vai trò chủ mưu hoặc có hành vi phạm tội nghiêm trọng sẽ đối mặt với mức phạt cao nhất theo quy định pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả để bảo vệ người tiêu dùng
Cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Tiêu hủy toàn bộ hàng giả còn trên thị trường: Nhằm ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích công cộng.
Bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng: Nếu khách hàng đã mua sản phẩm giả, có thể yêu cầu công ty hoàn tiền hoặc đền bù thiệt hại.
Xử lý trách nhiệm dân sự: Nếu người tiêu dùng bị tổn hại về sức khỏe, họ có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Xử phạt hành chính và truy thu lợi nhuận bất hợp pháp: Toàn bộ số tiền thu được từ hành vi phạm pháp có thể bị tịch thu và sung vào ngân sách nhà nước.
Cũng theo Luật sư Hoàng Văn Hà: “Vụ án này thể hiện sự quyết liệt của cơ quan điều tra trong việc xử lý các hành vi gian lận thương mại và sản xuất hàng giả liên quan đến thực phẩm. Nếu quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, các bị can có thể đối mặt với mức án nghiêm khắc”