Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng và Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận đều mang quân hàm Đại tá, đều gắn bó với Nhà hát Kịch Công an Nhân dân từ lúc trẻ đến lúc về hưu. Cả hai không chỉ gắn bó với sân khấu mà còn để lại nhiều ấn tượng qua các bộ phim truyền hình.
Tuy nhiên, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng và Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận lại có số phận khá trái ngược cả trên phim lẫn ngoài đời thực. Trong khi Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng thường được giao nhiều vai phản diện, có những vai là tội phạm hoặc vai tha hóa, biến chất thì Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận lại toàn được chọn đóng các vai chính diện, chiến sĩ công an hoặc chính khách.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng – chuyên vào vai phản diện, tha hóa
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng sinh năm 1952, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở vùng thuần nông của tỉnh Hải Dương. Ông là một trong những đạo diễn, diễn viên gạo cội của sân khấu và phim ảnh miền Bắc.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng. Ảnh: FBNV
Trong suốt sự nghiệp đóng phim của mình, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng bén duyên với điện ảnh qua hàng loạt vai như: Trần Văn Bang trong phim “Vệt sáng ngược” của điện ảnh Công an Nhân dân, vai Bích trong “Ai giận, ai thương”. Sau đó là một loạt vai trong các phim “Đêm hội Long Trì”, “Những ngôi sao nhỏ”, “Tình yêu và vực thẳm”, “Cảnh sát hình sự”, “Khi đàn chim trở về”, “Bản di chúc bí ẩn”, “Chủ tịch tỉnh”, “Người phán xử”, “Những cô gái trong thành phố”… Đa số các vai của nam nghệ sĩ là vai phản diện, tha hóa, biến chất…
Diễn xuất của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng thành công đến nỗi, khán giả thấy ông xuất hiện trên phim sẽ nghĩ ngay tới một nhân vật phản diện, một lãnh đạo biến chất hay đểu giả, suy đồi đạo đức…
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng chia sẻ, cuộc sống của ông cũng ảnh hưởng khá nhiều khi vào vai phản diện. Ông kể, ông rất ngượng trong một lần cùng vợ cũ về Thái Nguyên, vừa ngồi xuống quán nước, có mấy người phụ nữ xông ra, chỉ thẳng vào mặt nam nghệ sĩ: “Trông thế này mà toàn đóng vai đểu”. Rồi mỗi khi vợ ông đi chợ, những người bán hàng đều lôi kéo vào và phán xét: “Ông ấy suốt ngày gái gú vậy”.
Vốn quen mặt với khán giả bởi những vai phản diện nên khi trở lại màn ảnh với vai Thiếu tướng – Giám đốc Công an tỉnh chính diện, tử tế, vừa thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất tình cảm trong phim “Bão ngầm”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng đã gặp không ít áp lực. Ông đã cố gắng để tạo dấu ấn riêng, khiến khán giả quên đi những vai diễn đểu cáng trước đó.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng trong phim “Bão ngầm” và “Đấu trí”. Ảnh: TL
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp nhưng hạnh phúc riêng lại không trọn vẹn. Ông từng trải qua 2 đời vợ và ở tuổi ngoài 70 vẫn sống một mình. Kể từ khi chia tay người vợ thứ 2, sức khỏe của Trần Nhượng nhiều phần sa sút.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng có hai con, con trai đầu là đạo diễn Trần Bình Trọng, con gái là Trần Anh Phương. Cả hai con đều theo nghiệp nghệ thuật của bố. Trần Bình Trọng là đạo diễn của serie “Làng ế vợ”, “Đại gia chân đất”… và là diễn viên trong nhiều phim truyền hình nổi tiếng.
Trần Anh Phương từng đỗ thủ khoa ngành Thiết kế mỹ thuật của Đại học Sân khấu – Điện ảnh nhưng lại chọn theo đuổi con đường diễn xuất và có vai đầu tiên ở tuổi 26.
NSND Trần Nhượng đã nghỉ hưu đã được 6 năm. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài đi diễn, đóng phim… Không giống với người khác thường có tâm lý nghỉ hưu là nghỉ ngơi, an nhàn, ông lại làm việc gấp 10 lần so với trước.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng cho biết, hiện ông đang bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa đốt sống cổ. Nhiều hôm chỉ cần đứng lâu một chút là hai chân tê cứng không bước nổi. Ngoài ra, mỗi khi trái gió trở trời, xương khớp của ông cũng nhức mỏi không chịu nổi. Đó là chưa kể nhiều năm qua, ông phải sống chung với tiểu đường, trào ngược dạ dày, tiền liệt tuyến… Cách đây hai năm, ông cũng vừa phải mổ sỏi mật.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận – chuyên vào vai chính diện, đời tư kín tiếng
Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận sinh năm 1958, ít hơn Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng 6 tuổi. Ông từng theo học Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh cùng lứa với các nghệ sĩ như: Tất Bình, Nguyễn Anh Dũng… Năm 1982, ông chính thức đầu quân về Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân, nay là Nhà hát Kịch Công an Nhân dân.
Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận. Ảnh: FBNV
Trong suốt thời gian gắn bó với Kịch nói Công an Nhân dân và nhiều năm sau này, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận vẫn là một trong những diễn viên được nhớ đến với nhiều vai công an thành công trong các tác phẩm sân khấu và điện ảnh.
Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận cũng thừa nhận rằng, niềm tự hào lớn nhất của ông là được giao vào vai “sếp” trong một số vở kịch như: Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra trong vở “Vòng xoáy”, Quận trưởng Công an trong “Thằng Mẫn tóc nâu”, Giám đốc công an trong “Ngọt ngào trong cay đắng”, “Khoảnh khắc mong manh”, điệp báo viên trong “Đối đầu”…
Ngoài ra, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận còn tham gia hàng loạt phim truyền hình như: “Cảnh sát hình sự”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, “Miền đất hứa”, “Vượt qua thử thách”, “Chiến hạm nổ tung”, “Người cùng năm sinh”, “Giải phóng Sài Gòn”… Trong phim truyện nhựa “Giải phóng Sài Gòn”, nam nghệ sĩ được vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trong phim “Chiến hạm nổ tung” lại được vào vai Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn; phim “Vượt qua thử thách” là vai Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra… Các vai mà nam nghệ sĩ đảm nhận đều là vai chính diện, chính khách hoặc nhân vật nổi tiếng lịch sử và đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Nhờ ngoài đời cũng là một Đại tá công an, lại có ngoại hình sáng sủa, tác phong mẫu mực nên khi vào các vai sếp lớn của ngành công an, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận đều có lối diễn riêng. Ông thành công tới mức từng được một đạo diễn nhận xét: “Khương Đức Thuận đứng im cũng đã ra dáng công an rồi”.
Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận thường được giao các vai chiến sĩ công an, chính khách. Ảnh: TL
Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận từng xúc động kể, ông rất hạnh phúc vì được đạo diễn Long Vân tin tưởng giao cho một trong những vai diễn quan trọng nhất, đó là vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam. Trước khi quay phim, tướng Nguyễn Chuông đã sắp xếp cho đoàn làm phim của ông vào thăm Đại tướng.
“Khi biết tôi đóng vai Đại tướng, ông nhìn tôi và nói: “Anh đóng Bác không cần ngoại hình giống Bác, quan trọng là đúng cái thần và ý chí của Bác”. Ông còn cho tôi rất nhiều sách, băng đĩa, tài liệu có hình ảnh liên quan đến ông để tôi nghiên cứu vào vai cho đúng”, nam nghệ sĩ từng chia sẻ.
Về cuộc sống gia đình, Nghệ sĩ Nhân dân Khương Đức Thuận là một trong những nghệ sĩ nam nổi tiếng về sự kín đáo. Chỉ biết, nam nghệ sĩ đang tận hưởng cuộc sống yên ấm bên gia đình trong một căn chung cư ở Hà Nội.