Theo luật sư, Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc sử dụng đất là phải đúng mục đích sử dụng đất. Trường hợp, người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp không đúng quy định sẽ bị bắt buộc phải tháo dỡ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
Bạn đọc Phạm Ngọc (Thanh Hóa) hỏi:
Tôi muốn hỏi trường hợp xây nhà ở trên đất nông nghiệp, đã bị địa phương xử phạt và yêu cầu phá dỡ. Tôi nghe nói có những trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn được tồn tại sau khi nộp phạt. Vậy có trường hợp nào pháp luật cho phép nộp tiền phạt xong được phép tồn tại không, đó là những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải, đất nông nghiệp được xem là một loại đất có mục đích sử dụng đặc biệt được quy định trong Luật Đất đai 2024. Trong trường hợp bạn muốn xây dựng một ngôi nhà trên đất nông nghiệp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ được phép tiến hành xây dựng khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất sai quy định theo Luật Đất đai 2024.
Trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp sẽ bị phá dỡ
Luật sư Huy cho biết, Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc sử dụng đất là phải đúng mục đích sử dụng đất.
Một số hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp ở thuộc khu Dộc thôn Trần Phú, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội thời điểm khoảng tháng 6/2023. Ảnh: M.H.
Theo đó, một trong những nguyên tắc khi sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích. Căn cứ Điều 8, 9, 10, 11, 12 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, khi sử dụng đất sai mục đích (một trong những hành vi dễ nhận thấy nhất là xây nhà trên đất không phải là đất ở) thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Số tiền phạt sẽ phụ thuộc vào diện tích của đất bị vi phạm mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. Biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu có nghĩa là phải tháo dỡ nhà ở.
Từ năm 2025, người dân muốn thuê đất nông nghiệp cần lưu ý điều gì?
Cũng theo luật sư Huy, Điều 136 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định rõ về các trường hợp nhà ở phải phá dỡ, cụ thể: Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt;
Như vậy, theo luật sư, không phải khi xây nhà trên đất nông nghiệp bạn cứ nộp phạt mà vẫn được tiếp tục sử dụng nhà đó. Bạn sẽ bị buộc phải tháo dỡ nhà ở ra khỏi đất và nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ.
Các trường hợp xây dựng nhà không phép, trái phép sẽ không bị phá dỡ
Căn cứ khoản 1 Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định những trường hợp xây dựng không phép, trái phép được cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì không bị tháo dỡ gồm:
Xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng; Xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Điều kiện không bị phá dỡ gồm hành vi vi phạm: Xảy ra sau ngày 04/01/2008 mà đã kết thúc trước ngày 15/01/2018; không vi phạm chỉ giới xây dựng; không gây ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Người dân lưu ý ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thì còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được theo quy định.
Như vậy, từ các quy định trên, có thể thấy trong những trường hợp được phép tồn tại ở trên thì không có trường hợp nào là xây nhà trên đất sai mục đích. Do đó, người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp bắt buộc phải tháo dỡ theo đúng quy định của pháp luật.