Liên quan đến sự kiện sáp nhập tỉnh, thành, hôm 26/3, Bộ Nội vụ cho biết đã hoàn tất dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cùng tờ trình kèm theo để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, 52 tỉnh, thành sẽ được đề xuất sắp xếp, sáp nhập, 11 tỉnh thành giữ nguyên. Sau khi sắp xếp, tổng số tỉnh, thành từ 63 giảm còn trên 30.
Các tỉnh thành đề xuất không sáp nhập gồm: TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Về tiêu chí xác định đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tờ trình của Chính phủ cho biết gồm 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị thống nhất.
Cụ thể là diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế, gồm tiêu chí về địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế. Hai tiêu chí còn lại gồm tiêu chí về địa chính trị và tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Trong số các tỉnh đề nghị giữ nguyên, tỉnh Lai Châu nằm ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, có vị trí địa lý quan trọng khi giáp với Trung Quốc ở phía bắc, Điện Biên ở phía tây, Lào Cai ở phía đông và Yên Bái, Sơn La ở phía nam. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở, có nhiều sông suối và thung lũng.
Về diện tích, tỉnh này rộng 9.069 km2, đứng thứ 10 cả nước, gấp khoảng 4,5 lần diện tích TP HCM (hơn 2.095km2) nhưng dân số Lai Châu chỉ có 494.626 người (năm 2024) là tỉnh có dân số thấp nhất Việt Nam, chỉ bằng 5% sân số TP HCM (hơn 9 triệu người).
Thông tin về diện tích, dân số của 4 tỉnh, thành phố
Bảng tỷ lệ diện tích, dân số của Lai Châu so với một số tỉnh, thành- Ảnh tạo bởi AI
Hiện nay, Lai Châu có 08 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; 106 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 05 phường và 07 thị trấn).
Tính đến hết năm 2024, theo báo cáo 8677/BC-BNV của Bộ Nội vụ về tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Lai Châu là một trong số địa phương còn chưa quyết liệt trong quá trình thực hiện, chưa gửi đúng tiến độ hồ sơ đề án theo yêu cầu, kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, tỉnh Lai Châu đã xây dựng Phương án tổng thể thực hiện sắp xếp đối với 03 ĐVHC cấp huyện và 02 ĐVHC cấp xã, nhưng sau đó tỉnh đã có đề nghị chưa thực hiện sắp xếp.
Tham khảo thêm
Sở hữu điểm nghỉ dưỡng “đẹp nhất thế giới”, thành phố biển dự kiến sáp nhập chỉ còn 2 phường
Tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất cả nước, nhiều lần thay đổi địa giới hành chính
Kết quả rà soát năm 2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy Lai Châu là một trong 4 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất của cả nước. Tỉnh Lai Châu ngày nay đã từng trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính quan trọng trong lịch sử.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh, tỉnh Lai Châu (cũ) nằm ở phía tây bắc Việt Nam, tỉnh lỵ ở thị xã Điện Biên Phủ, cách Thủ đô Hà Nội 502km theo quốc lộ số 6. Lai Châu phía đông bắc giáp Lào Cai, phía đông nam giáp Sơn La, phía tây nam và tây bắc giáp hai tỉnh Luông Pha băng và Phong Sa Lỳ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Lai Châu là địa bàn có con người đến cư trú rất sớm. Cách đây 116 năm, năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người. Đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu danh xưng Lai Châu gắn liền với cấp độ một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh này.