Chưa cưới xin gì, mẹ tôi đã dạy dỗ đủ thứ khiến người yêu tôi cảm thấy áp lực.
Cô ấy đề nghị sau khi cưới chúng tôi sẽ ra ở riêng.
Tôi luôn tự hào về gia đình mình. Cha mẹ đã dành cho tôi tất cả sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc tận tình. Tuy nhiên, do tôi là con một, nên bố mẹ luôn lo lắng và kỳ vọng quá mức, nhiều khi khiến tôi cảm thấy ngột ngạt.
Ảnh minh họa: PX
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi tôi quen bạn gái. Cô ấy là một người tuyệt vời và rất yêu thương tôi. Tuy nhiên, sự khác biệt về cách sống và giá trị gia đình đã dần dần trỗi dậy khi chúng tôi tính chuyện về chung một nhà.
Bạn gái tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh chị em. Cô ấy là con thứ 2. Cô ấy luôn có trách nhiệm với gia đình, ứng xử khéo léo. Nhưng sau vài lần về nhà tôi chơi, cô ấy tâm sự rằng bố mẹ quá lo cho tôi, khiến cô ấy chịu áp lực.
Có hôm, tôi đưa người yêu về chơi, cô ấy giúp rửa rau sống mà bị mẹ chê đủ kiểu. Lúc ăn cơm, mẹ nói đủ chuyện về những thứ tôi không ăn được và không được ăn. Bữa cơm gia đình trở thành nơi giáo huấn con dâu tương lai.
Sau lần đó, chúng tôi thường xuyên tranh chấp về chuyện sống chung với bố mẹ.
Bạn gái đề nghị với tôi sau kết hôn sẽ ở riêng, dù có phải đi thuê nhà. Cô ấy có thể sống gần bố mẹ chồng, nhưng nhất định không sống chung. Cô đề nghị rằng khi nào bố mẹ già yếu, chúng tôi sẽ về chăm sóc cẩn thận.
Tôi yêu bạn gái và cô ấy cũng vậy. Chúng tôi đã bên nhau 5 năm, hiểu cả mặt tốt và chưa tốt của nhau. Cả 2 cùng cố gắng hòa hợp và tiến tới hôn nhân. Song, sự khác biệt về giá trị sống và mong đợi này đã tạo ra bức tường ngăn cách.
Nếu tôi làm theo ý cô ấy, bố mẹ tôi sẽ phải chịu sự đ.ánh giá của họ hàng, hàng xóm. Nhưng tôi cũng hiểu khó khăn mà bạn gái phải chịu nếu sống cùng bố mẹ tôi. Vì chính tôi đôi lúc cũng cảm thấy ngột ngạt dưới mái nhà mình.