Từ câu nói của con gái, tôi mới biết bản thân mình tệ hại đến thế!
Tôi trước đây từng là hoa khôi ở trường Đại học, nhan sắc không thua kém bất kỳ ai nên được rất nhiều bạn khác giới để ý. Thế nhưng sau khi kết hôn và làm mẹ, tôi thấy mình đã khác đi rất nhiều.
“Lên chức” lần đầu tiên, tôi được bố mẹ nội ngoại hai bên hỗ trợ nên cảnh làm mẹ bỉm sữa không quá vất vả như tưởng tượng. Tôi vẫn được tự do, có thời gian cho bản thân nên nhiều người hay trêu là “gái một con trông mòn con mắt”.
Tuy nhiên, bước vào hành trình lần thứ hai này, tôi đã phải tự mình làm mọi chuyện mà không có sự giúp sức của ai cả. Vừa chăm con lớn, vừa chăm con nhỏ, nghe thôi nhiều người đã cảm thấy oải. Đó cũng là lý do mà tôi dần đánh mất đi thời gian cho chính bản thân mình. Và điều này cũng là khởi nguồn cho câu chuyện xuýt chút nữa khiến tôi và chồng đứng trước bờ vực tan vỡ.
Ảnh minh hoạ
Sự tình bắt đầu khi con gái học tiểu học kết thúc kỳ nghỉ hè và quay trở lại trường học. Trước đây, việc đưa đón con sẽ được vợ chồng thay phiên xen kẽ nhau. Tuy nhiên dạo gần đây tôi để ý thấy chồng thường xuyên tan làm về sớm để đón con.
Mặc dù đây là chuyện tốt, nhưng tôi lại không hiểu vì sao con gái chỉ muốn bố đón, và liên tục từ chối mẹ làm việc này. Mãi cho đến một hôm, tôi bất ngờ thấy mẹ con hàng xóm bước xuống khỏi xe otô nhà mình. Ban đầu tôi nghĩ là cô ấy đi nhờ, nhưng cho đến khi biết sự thật cô ta và con gái đã vài lần như thế khiến tôi cực kỳ tức giận, nghĩ rằng chồng có mối quan hệ không chính đáng.
Thậm chí tối hôm đó, tôi và anh còn cãi nhau to và tôi đã mạnh miệng đòi ly hôn. Lúc này, cô con gái còn “đổ dầu vào lửa” khi liên tục dành lời khen cho cô hàng xóm. Con bé nói rất thích cô ta vì cô vừa tốt bụng, lại vừa xinh đẹp, hơn nữa còn là mẹ của bạn cùng lớp.
Đứa trẻ càng nói, tôi càng nghĩ thì ra dạo gần đây chồng siêng đi đón con là vì lý do này. Thế nhưng, con gái lại “biện hộ” cho bố và nói rằng là do mình muốn như vậy.
– Con thích được bố đón, con không thích mẹ nữa vì lần trước khi mẹ đến trường, các bạn đã trêu chọc con “sao mẹ bạn ăn mặc xấu thế”, các bạn lúc nào cũng khoe “mẹ mình đẹp lắm”. Mỗi lần đứng trước cổng trường, con đều trông thấy mẹ của các bạn mặc đồ rất xinh, váy vóc như công chúa. Còn mẹ thì chả bao giờ mặc váy cả! Mẹ nhìn cô hàng xóm đi, sau này con cũng muốn xinh đẹp giống như cô ấy.
Ảnh minh hoạ
Nghe con gái nói, tôi chết lặng chẳng đáp lại được lời nào. Vì quả thực, tôi bận rộn chăm sóc gia đình đến nỗi từ khi con thứ 2 chào đời, sở thích làm đẹp, mặc đẹp của tôi cũng dần mai một. Tôi không ngờ, ở tuổi này, con gái lại để ý đến thế. Có lẽ hình ảnh của mẹ trong mắt con rất quan trọng, nhưng tôi đã làm con thất vọng. Qua chuyện lần này, tôi chắc chắn sẽ khiến cho bản thân lấy lại phong độ như trước đây, không thể để con xấu hổ vì mẹ thêm một lần nào nữa…
Tâm sự từ độc giả phunglinh…@gmail.com
Nhiều người cho rằng một người mẹ quan tâm đến hình ảnh cá nhân thì chắc chắn sẽ rất chú ý đến chuyện ăn mặc của con cái. Không thể phủ nhận, một đứa trẻ ăn mặc gọn gàng, chỉn chu sẽ có những điểm cộng nhất định về mặt hình ảnh. Bản thân trẻ con cũng có sự quan tâm đến thời trang cũng như hình ảnh của bản thân. Thậm chí, nhiều đứa trẻ đã hình thành cả gu thẩm mỹ nhất định ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Trong khi đó, những bà mẹ ăn mặc “thế nào cũng được” thường là những người không quá chú ý đến vẻ bề ngoài và họ cũng thường có suy nghĩ tặc lưỡi “Thế này là được rồi”. Tâm lý đó cũng rất dễ “lây” sang cho đứa trẻ khiến con cũng hình thành nên tính cách xuề xòa, không cẩn thận trong cả cuộc sống lẫn cách ăn mặc.
Lâu dần, khi bị những người xung quanh đánh giá hoặc bình phẩm, con dễ cảm thấy tự ti, thua cuộc, không tin vào chính mình. Và có một sự thật mà có thể mẹ không biết, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ ăn mặc gọn gàng thường có tỷ lệ kết bạn khá cao.
Trong thực tế, chúng ta không đòi hỏi một người phụ nữ trong vai trò làm mẹ phải ăn mặc quá lộng lẫy, phô trương khi ở nhà. Nhưng ít nhất người mẹ tcần phải ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng. Và bất cứ ai cũng cần nhớ rằng, chúng ta mặc đẹp không chỉ cho mình mà còn là “bộ mặt” của gia đình nữa. Vì những đứa trẻ thường bị ảnh hưởng lớn từ việc dạy dỗ của mẹ nên chúng thường quan sát và học theo mẹ rất nhanh.
Nhiều bà mẹ không muốn “làm điệu” vì lý do…lười hoặc bản thân họ không có ý thức trong việc ăn mặc. Nếu bạn là một trong những bà mẹ như thế thì hãy thay đổi suy nghĩ ngay. Đừng để những đứa trẻ nhận định trong đầu rằng bạn là một người mẹ luộm thuộm. Điều đó nhất định sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, thói quen và định hướng của đứa trẻ.