Bản di chúc được công bố sau khi mẹ qua đời khiến 6 anh em trong một gia đình xảy ra mâu thuẫn, nộp đơn kiện ra Tòa án để giải quyết tài sản thừa kế.
Đầu năm 2020, cụ bà Thẩm (90 tuổi) ở Thượng Hải, Trung Quốc phải nhập viện do khối u ác tính. Thời điểm nhập viện, bà Thẩm đã không còn tỉnh táo và qua đời không lâu sau đó. Bà Thẩm có 2 con trai và 4 con gái nên sau khi mẹ qua đời, những người con họp lại để giải quyết tài sản mẹ để lại.
Lúc này, con trai út của cụ Thẩm là Thẩm Từ Sĩ bất ngờ lấy ra một bản di chúc. Anh này cho biết di chúc được lập ngay sau khi mẹ nhập viện. Di chúc nêu rõ toàn bộ tài sản đứng tên bà Thẩm bao gồm tiền đền bù đất 940.000 NDT (3,1 tỷ đồng) mới nhận và tiền gửi ngân hàng sẽ do Từ Sĩ thừa kế.
Di chúc viết: “Vì tôi đã già yếu bệnh tật, để tránh những tranh chấp không đáng có trong gia đình về việc thừa kế tài sản sau này, tôi quyết định lập di chúc như sau: Mọi tài sản đứng tên tôi, từ tiền đền bù đất, bất động sản đến tiền gửi tiết kiệm đều sẽ thuộc quyền sở hữu của con trai Từ Sĩ. Không ai khác có thể thừa kế những tài sản này”.
Bản di chúc “lạ” khiến 5 người con còn lại bàng hoàng vì họ chưa từng nghe đến việc mẹ quyết định sẽ chia tài sản cho ai, hay gọi các con đến công bố di chúc. Họ lập tức nảy sinh sự nghi ngờ với tính xác thực và giá trị pháp lý của bản di chúc em út đưa ra, nhất là bởi thời điểm nhập viện mẹ đã bất tỉnh, không thể cử động,
Thẩm Từ Sĩ phản bác ý kiến của anh chị, kể lại thời điểm mẹ tỉnh lại trong bệnh viện và đã ngay lập tức nhờ anh gọi luật sư. Con trai út cho rằng căn bệnh của bà Thẩm cũng không ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ hay diễn đạt, dưới di chúc còn có chữ ký của mẹ.
Những năm cuối đời bà Thẩm sống cùng con trai út Từ Sĩ và được chăm sóc chu đáo. Vậy nên Từ Sĩ cho rằng việc anh nhận được toàn bộ tài sản thừa kế của mẹ là hoàn toàn hợp lý. Những giải thích này vẫn không làm anh chị của Từ Sĩ thỏa mãn, dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Họ quyết định kiện ra tòa án địa phương để giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế.
Tòa án nhân dân quận Tĩnh An, Thượng Hải, Trung Quốc sau khi xem xét bản di chúc được cho là của cụ Thẩm đã nhận thấy 3 điểm đáng ngờ.
Thứ nhất, bà Thẩm nhập viện trong tình trạng nguy kịch, 3 ngày sau khi nhập viện là thời điểm lập di chúc thì tình trạng sức khỏe vẫn chưa cải thiện đáng kể. Vậy nên khó có thể kết luận cụ bà 90 tuổi hoàn toàn nhận thức được hành vi và diễn đạt ý định của mình một cách chính xác, liệu có đủ năng lực hành vi dân sự khi lập di chúc hay không.
Thứ hai, với hình thức di chúc văn bản, luật sư phải ghi chép lại nội dung chính xác lời nói của thân chủ, không được thêm vào các chi tiết khác hay diễn đạt lại theo ý muốn của riêng mình. Bà Thẩm không bao giờ đọc sách, từ trước đến nay đều sống ở nông thôn, làm những công việc tay chân chất phác.
Thế nhưng trong toàn văn di chúc lại có những thuật ngữ pháp lý cùng những nội dung rất chi tiết như số giấy tờ tùy thân của người thừa kế. Điều này Tòa cho rằng lời viết trong di chúc không phù hợp với trình độ văn hóa của bà Thẩm.
Cuối cùng là bản di chúc không có chữ ký của bà Thẩm như Từ Sĩ đã tuyên bố mà chỉ có dấu vân tay, cũng không có chữ viết tay hay ngày lập di chúc. Mặc dù việc ghi âm, ghi hình không phải điều kiện bắt buộc nhưng trong trường hợp người lập di chúc bị bệnh nặng hoặc không biết đọc, viết thì băng ghi âm, ghi hình là cần thiết để có bằng chứng xác thực.
Vậy nên Tòa tuyên bố di chúc do Từ Sĩ đưa ra không hợp lệ và xem xét chia lại tài sản thừa kế theo luật. Dù nhận được phần thừa kế lớn hơn anh chị do chăm sóc mẹ nhiều năm nhưng con trai út Thẩm Từ Sĩ vẫn không hài lòng. Anh kháng cáo lên Tòa án nhân dân trung cấp số 2 Thượng Hải nhưng kết quả bản án sơ thẩm được giữ nguyên.