Bất ngờ gặp tai nạn hy hữu trên một đoạn đường ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), MC Thanh Bạch không may bị gãy xương do rơi xuống mương thoát nước có độ sâu 3 m.
Cú ngã đầu tiên đã khiến MC Thanh Bạch bị chấn thương, nhưng khi cố gắng đứng dậy, anh lại vô tình ngồi lên một hòn đá không vững, dẫn đến cú ngã thứ hai.
Nam MC được mọi người đưa đến một cơ sở y tế tại TP.Bảo Lộc. Tại đây, anh được chẩn đoán là gãy xương chậu, nhưng do tình trạng khá nghiêm trọng, anh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Ngày 8.4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã tiến hành thăm khám, thực hiện chụp CT, MRI và các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy, nam MC bị gãy ổ cối phải (phần hõm của xương chậu, nơi tiếp giáp với đầu trên xương đùi để tạo thành khớp háng), kèm theo tình trạng trật khớp háng, khi phần đầu xương đùi bị bật lệch khỏi vị trí ban đầu, di lệch ra phía sau và hơi chếch lên trên.
Nghệ sĩ Thanh Bạch trong quá trình hồi phục sau điều trị
ẢNH: T.H
Sự kết hợp giữa gãy xương ổ cối và trật khớp háng là một dạng chấn thương nghiêm trọng, cần được can thiệp kịp thời để tránh ảnh hưởng đến khả năng vận động lâu dài. Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã quyết định tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp kết hợp xương gãy ổ cối phức tạp nhằm phục hồi lại vùng xương bị tổn thương.
Kết hợp nhiều phương pháp để nắn chỉnh và cố định xương gãy
Sau nhiều giờ tập trung cao độ, ê kíp phẫu thuật Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp. Khớp háng của người bệnh được nắn trở lại đúng vị trí, ổn định và vững chắc. Đặc biệt, dây thần kinh tọa – vị trí quan trọng dễ bị ảnh hưởng trong các ca phẫu thuật vùng chậu không ghi nhận tổn thương nào.
Để đảm bảo độ chính xác, đội ngũ bác sĩ đã tiến hành sử dụng hệ thống máy C-arm, thiết bị chụp X-quang di động hiện đại, cho phép quan sát hình ảnh ngay trong quá trình phẫu thuật. Việc sử dụng C-arm giúp bác sĩ theo dõi trực tiếp vị trí của các nẹp và vít khi gắn vào xương, từ đó giúp theo dõi và điều chỉnh kịp thời, đảm bảo hiệu quả và an toàn tối đa cho người bệnh.
Sau khi xác nhận toàn bộ hệ thống nẹp vít được cố định chính xác, khớp háng ổn định, ê kíp bác sĩ tiếp tục khâu vết mổ từng lớp, cẩn thận đóng kín vết thương để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó được băng ép để cố định vùng hậu phẫu, hỗ trợ giảm sưng và ngăn ngừa biến chứng. Đồng thời, các bác sĩ sử dụng nẹp Zimmer – một loại nẹp chỉnh hình chuyên dụng, nhẹ nhàng, có cấu tạo cứng chắc, giúp giữ cho phần xương khớp háng được ổn định và bảo vệ trong suốt quá trình hồi phục.