Chính sách thuế quan mới từ Mỹ đang tạo nên những mối bận tâm nhất định, trong đó bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ chịu tác động sớm và rõ nét nhất.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam đang xôn xao trước công bố chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động 10 – 50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức cao nhất là 46%.
Dù mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán, chỉ áp 10% trong thời gian này. Vậy là, đến nay chưa có thông tin chính thức nào về việc áp dụng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng tác động của chính sách này đang từ từ lan tỏa đến tâm lý nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản.
Với thuế đối ứng của Mỹ áp lên Việt Nam, nhiều lĩnh vực trong nước sẽ đứng trước mũi dùi này, trong đó thị trường bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ hứng chịu tác động đầu tiên. Ảnh: VPG
Bất động sản công nghiệp sẽ chịu tác động đầu tiên khi Mỹ áp thuế đối ứng
Tại báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MBS Research, cho rằng sự kiện này nằm ngoài dự báo của thị trường. Lý do bởi khác với nhiều dự đoán trước đây, chính quyền đương nhiệm đã chọn cách xác định thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, thay vì mức thuế quan mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ.
Chẳng hạn cán cân Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ khoảng 124 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch Thương mại, từ đó mức thuế 46% được áp dụng, tương đương một nửa tỷ lệ thâm hụt thương mại.
Theo MBS, mức thuế đối ứng cao sẽ tác động lên 3 khía cạnh kinh tế. Thứ nhất, làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chú chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%),… có mức thuế thấp hơn đáng kể.
Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1.
Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư Thương mại với nước này.
Chuyên gia dự báo: Chính sách thuế quan này sẽ có tác động lớn đến sự dịch chuyển dòng vốn và tâm lý nhà đầu tư. Ảnh: VPG
Bất động sản khu công nghiệp được đơn vị dự báo là một trong những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất do “cú sốc” thuế đối ứng 46%.
Cụ thể, với một số mặt hàng đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp sản xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI từ Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong) có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia…
Điều này được cho là sẽ tác động tiêu cực đến nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Thậm chí, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế lo ngại rằng: Nếu các tập đoàn nước ngoài huỷ bỏ hoặc hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy thì nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và giá thuê khu công nghiệp có thể giảm khiến tồn kho tăng và các khu công nghiệp mới cũng bị trì hoãn.
Các khu vực mệnh danh “thủ phủ” công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương,… sẽ bị tác động.
MBS chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera – CTCP, Tổng Công ty IDICO, CTCP Sonadezi Châu Đức và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG.
Ông Hiếu cho rằng, những chính sách thuế quan này sẽ có tác động lớn đến sự dịch chuyển dòng vốn và tâm lý nhà đầu tư. Nếu mức thuế này thực thi, Việt Nam rất dễ đánh mất sức hút đầu tư và kéo theo mọi loại hình bất động sản cùng đi xuống.
Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam mới chỉ đang hồi phục dần sau đợt khó khăn kéo dài 2 năm. Hiện tại thị trường còn rất nhạy cảm với các biến động. Ông nhận định rằng, kịch bản xấu nhất sẽ khiến bất động sản chững lại và nặng nề là “nguội lạnh”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, vẫn còn sớm để đánh giá chính xác tác động của quyết định này đến thị trường bất động sản.
Dù đã đến ngày thực thi chính sách đối ứng nhưng Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán nên vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của quyết định này. Ảnh: Thái Nguyễn
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế bất ổn nhưng những loại hình bất động sản tiềm năng là các phân khúc có giá trị tốt, có khả năng sinh lời dài hạn, ít rủi ro pháp lý và vẫn sẽ mang lại dòng tiền ổn định.”
Phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thật vẫn sẽ là nơi trú ẩn an toàn mang lại tiềm năng tăng trưởng cao. Bất động sản nhà ở tại các đô thị lớn có nhu cầu cao vẫn sẽ giữ giá tốt và ít bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đất nền ven đô có sổ đỏ, pháp lý rõ ràng cùng mức giá hợp lý, cũng như đất nông nghiệp có pháp lý rõ ràng có thể kết hợp mô hình cho thuê, làm nông nghiệp, nghỉ dưỡng, đều là những sản phẩm tiềm năng đáng để đầu tư.
Cũng giống như quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, vị Chủ tịch VARS hy vọng rằng sự hợp tác và khéo léo trong thương thảo sẽ mang lại một “dấu ấn mới” cho quan hệ song phương, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho thị trường bất động sản trong tương lai.