Khi về già, bạn nên giữ chắc tiền tiết kiệm trong tay hay gửi cho con cháu phòng chuyện bất trắc?
Tôi họ Hứa, năm nay 70 tuổi ở Trung Quốc. Vợ chồng tôi có một đứa con trai. Tôi và vợ là những công nhân lao động bình thường, gia đình không phải khá giả nhưng cũng không phải là khó khăn.
Sau này, con trai tôi lập gia đình, vợ chồng tôi mua cho con một căn nhà trả góp.
Vợ tôi là người phụ nữ đảm đang. Bất kể việc to việc nhỏ gì trong nhà, bà ấy đều đảm đương được. Lúc về nghỉ hưu, bà ấy bế con giúp hai vợ chồng con trai. Cũng vì đó một phần, hai con đối xử với chúng tôi khá hiếu thảo.
Quyết định tự giữ tiền để dưỡng già
Tôi thường xuyên nói với vợ rằng, bọn trẻ bây giờ áp lực rất lớn, chúng tôi đều có lương hưu. Nếu như sức khỏe còn dẻo dai thì sau này tự chăm sóc lẫn nhau, không phải phụ thuộc vào các con.
Vợ tôi là người biết tính toán. Mặc dù, lúc con trai lấy vợ, tiền tiết kiệm đã tiêu gần hết, nhưng chúng tôi nghỉ hưu mấy năm nay nên cũng tiết kiệm được chút. Góp lại được 30 vạn NDT (tương đương với 1 tỷ VND). Số tiền này chúng tôi quyết định tự giữ, phòng ngừa sau này ốm đau bệnh tật.
Mấy năm trước, con trai tôi đã từng có hỏi chúng tôi về chuyện này để xin tiền mua xe. Tôi từ chối. Vì tôi hiểu tính con, nếu bây giờ cho, sau này con sẽ dễ dàng phụ thuộc. Vậy nên, tôi nói với con: “Trách nhiệm của bố mẹ, bố mẹ đã làm đủ với con, việc sau này của mình con tự cố gắng!”
Vì thế, tôi cảm tưởng con trai không vui vẻ lắm khi nhìn thấy tôi. Cuối tuần đến nhà chơi, con cắm mặt vào điện thoại, nói chuyện chỉ nói đôi ba câu với tôi.
Đối diện sự xa cách lạnh lùng của con trai, tôi rất buồn lòng.
May mắn rằng, vợ tôi chăm sóc tôi khá cẩn thận, tôi nghĩ rằng thay vì trông chờ con cái thì có thể nhờ vả người bạn đời của mình khi về già.
Biến cố ập đến
Cuộc đời thật trớ trêu, vợ tôi không may mắc bệnh nặng. Trong thời gian ấy, căn bệnh giày vò bà đến nỗi sút cân. Mặc dù cố gắng nhưng chỉ hai năm sau, bà ấy qua đời.
Bà ấy mất, người đồng hành bên cạnh tôi cũng không còn. Mất một khoảng thời gian, tôi như người mất hồn. Có lần đi vệ sinh, chân tay không còn sức lực, ngã quỵ ở nhà tắm không ai hay. Cũng may, người bạn hàng xóm của tôi đến nhà rủ tôi chơi cờ mới phát hiện sự việc. Ông ấy gọi điện cho con trai tôi và đưa đi cấp cứu.
Vì huyết áp thấp nên tôi ngất đi, bác sĩ nói rằng nếu muộn thêm chút nữa thì mạng tôi sẽ không giữ được. Xuất viện, tôi mua ít hoa quá đến cảm ơn bạn. Ông ấy khuyên tôi giờ có tuổi phải nghĩ trước nghĩ sau. Ông nhắc lại chuyện của chị Ngô mấy năm trước, nghĩ lại tôi không khỏi rùng mình.
Ngày trước, tôi nghĩ bản thân có chút tiền tiết kiệm nên không sợ già. Mà giờ đây, vợ tôi qua đời, nếu giữ tiền một mình, e rằng không phải là cách an toàn. Do vậy, tôi quyết định, đưa cho các con tiền.Tôi gọi con trai qua nhà, rồi đưa cho con 30 vạn NDT (tương đương với 1 tỷ VND) tiền tiết kiệm, dặn dò con cất giữ cẩn thận. Nếu không phải là việc gấp thì không nên dùng.
Con hứa với tôi. Đây là số tiền tôi dành dụm cả đời, nên sẽ không dùng trừ khi tôi có việc cần. Nghe vậy, tôi khá yên tâm.
Từ ngày tôi đưa cho con tiền, mối quan hệ giữa tôi và con trai ngày càng tốt lên. Cách vài ba ngày, con sang thăm tôi, lúc thì mang bánh kẹo, lúc thì mang hoa quả đến.
Tôi nghĩ quyết định này của tôi khá đúng đắn. Con trai mình không tin thì có thể tin ai. Vả lại, tôi không tin con trai mình sẽ làm trái ý tôi.
Niềm tin đặt sai chỗ
Hai tháng sau, do cảm thấy không được khỏe nên tôi đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói tôi cần phẫu thuật tim gấp.
Bác sĩ nói thêm, tính các khoản, ca phẫu thuật cần phải mất gần 3 vạn NDT (tương đương với 105 triệu VND). Số tiền này tôi không sẵn có nên tôi nhờ con rút hộ.
Không ngờ được, con lắc đầu rồi nói đã tiêu hết chỗ tiền ấy. Hỏi ra mới biết, hai vợ chồng các con bàn bạc dùng tiền ấy để mua nhà kiếm lãi vì lý do giờ không tranh thủ thời cơ, sau này sẽ không biết bao giờ có cơ hội.
Sau đó con trai tôi đi vay được 2 vạn NDT (tương đương với 70 triệu VND).
Nằm trên giường bệnh, nghĩ đến chỗ tiền còn thiếu tôi không ngủ được. Dù con hứa sẽ mượn giúp tôi nhưng tôi cảm thấy vô cùng bất an.
Người già thật khổ, tiết kiệm cả đời được chút tiền, giữ bên mình thì đến khi chết thì con cái không biết tiền ở đâu mà rút. Còn tôi, vì một lần vô ý, đưa hết tiền cho con trai mà giờ đây cũng gặp tình cảnh éo le không kém.