Lời đề nghị của mẹ chồng khiến tôi không khỏi bất ngờ.
Sau khi kết hôn chưa bao lâu, tôi đã có tin vui. Vợ chồng tôi vừa mừng nhưng cũng không khỏi lo âu vì cả hai vợ chồng vẫn chưa có nhà riêng, mà số tiền tiết kiệm thì chỉ đủ trang trải những cuộc sống hàng ngày. May mắn là chúng tôi vẫn đang sống chung với bố mẹ chồng, nhờ đó phần nào giảm bớt áp lực về chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Nhìn người ta có điều kiện chăm chút cho bản thân và chuẩn bị cho con bằng những món ăn bổ dưỡng, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Nhưng rồi tôi tự nhủ, dù không dư dả, mình vẫn có thể lo đủ những thứ cần thiết cho con như trứng ngỗng, sữa tươi không đường – những thứ tốt cho sức khỏe của con cũng vừa tiết kiệm phần nào đó cho gia đình. Tôi cố gắng làm việc đến sát ngày sinh để có thêm thu nhập. Mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 8 triệu, nhưng khi cộng lại khoản tiền thai sản cũng gần 40 triệu, đủ để lo cho giai đoạn nghỉ sinh.
Ngày đi sinh, tôi chọn bệnh viện công để tiết kiệm chi phí và tận dụng bảo hiểm y tế, quyết định sinh thường dù rất đau đớn. Chồng tôi thấy vợ đau mà không khỏi xót xa, nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, chúng tôi không có lựa chọn nào khác.
Khi về nhà ở cữ, tôi may mắn được mẹ chồng chăm sóc tận tình, từ bữa ăn đến giấc ngủ, bà lo lắng từng chút một. Điều này giúp tôi nhẹ nhàng hơn trong những ngày tháng đầu tiên làm mẹ. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi tôi ở cữ tròn 1 tháng. Một buổi tối, sau bữa cơm, mẹ chồng ngồi bên cạnh tôi, vẻ mặt bà trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì đó. Bà nói: “Con à, đẻ xong bao lâu thì nhận được tiền thai sản?”.
Câu hỏi của mẹ chồng khiến tôi bất ngờ. (Ảnh minh họa)
Câu hỏi của mẹ làm tôi giật mình. Tôi đã nhận được tiền thai sản từ lúc con đầy tháng, nhưng vì không muốn mẹ biết nên đáp: “Chắc khoảng sáu tháng sau khi đi làm lại mới nhận được, mẹ ạ”.
Mẹ chồng mỉm cười, rồi bất ngờ nói: “Mẹ tính thế này, khi nào nhận được tiền thai sản, nhớ chia đôi với mẹ nha. Suốt mấy tháng qua mẹ chăm lo cho hai mẹ con, không đi bán ở chợ được, nên cũng chẳng có thu nhập gì. Mẹ biết con cũng vất vả, nhưng mẹ mong hai mẹ con mình cùng san sẻ với nhau”.
Lời của mẹ khiến tôi sững sờ. Tôi luôn nghĩ rằng mẹ chăm sóc tôi vì tình thương, nhưng bây giờ nghe bà nói vậy, lòng tôi chùng xuống, nặng trĩu. Tôi không biết phải phản ứng ra sao, chỉ biết nói nhỏ: “Dạ, con hiểu, nhưng mà….”.
Mẹ chồng ngắt lời, ánh mắt bà dịu dàng nhưng đầy nghiêm túc: “Mẹ biết con có nhiều lo toan. Nếu con cần giữ tiền để lo cho cháu thì cứ nói với mẹ. Nhưng mẹ muốn chúng ta thẳng thắn, không để chuyện này làm phiền lòng nhau. Chăm con dâu là trách nhiệm của mẹ, nhưng mẹ cũng cần sự hỗ trợ để cả gia đình cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Nghe những lời mẹ nói, tôi chợt nhớ ra rằng suốt mấy tháng mẹ chăm tôi, vợ chồng tôi cũng không phụ giúp chi phí sinh hoạt gì cho bà, trong khi mẹ đã lớn tuổi, nguồn thu nhập ít ỏi chỉ đến từ sạp hàng thuê ngoài chợ.
Tối hôm đó, tôi lặng lẽ đặt vào tay mẹ 20 triệu, nói rằng đây là một nửa số tiền thai sản mà tôi nhận được. Mẹ chồng nhìn tôi, nở nụ cười hiền hậu: “Cảm ơn con đã hiểu và san sẻ với mẹ”.
Ngày hôm sau, tôi bất ngờ khi thấy mẹ mua về hẳn một tổ yến chưng đắt tiền, rồi tận tay chưng yến cho tôi ăn. Khi tôi còn đang ngạc nhiên, mẹ nhẹ nhàng nói: “Mẹ biết con ở cữ không dám ăn uống gì bổ dưỡng, nên khi con đưa tiền, mẹ liền gọi cô bạn bán yến để mua ngay một lạng về cho con. Từ nay, mẹ sẽ lo thêm đồ ăn ngon, để con có đủ sữa cho tiểu công chúa cưng của bà nội”.
Trong lúc ngồi thưởng thức từng muỗng yến chưng, lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tôi không khỏi biết ơn mẹ chồng đã dành cho tôi tất cả sự tận tụy và yêu thương.