Ngân hàng Mỹ dự báo giá vàng có thể chạm mốc 3.500 USD/ounce, tương đương tăng 21% so với giá hiện tại.
Dự báo giá vàng thế giới lên đến 3.500 USD/ounce. Ảnh: TTXVN
Ngày 14.2, Ngân hàng Mỹ (Bank of America – BofA) tiếp tục giữ nguyên dự báo giá vàng thế giới sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong tương lai gần, nhưng thừa nhận rằng đây có thể chỉ là cột mốc trên một đợt tăng giá mạnh mẽ hơn.
Tính đến 6h00 ngày 16.2, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.882,4 USD/ounce, tăng khoảng 11% từ đầu năm. Theo Michael Widmer, chiến lược gia hàng hóa tại BofA, động lực chính đằng sau đà tăng này là việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh mua vàng nhằm đối phó với những bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Các yếu tố như thâm hụt ngân sách Mỹ, tranh chấp thương mại, chiến tranh, lệnh trừng phạt và nguy cơ đóng băng tài sản quốc tế đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào kim loại quý.
Một trong những yếu tố quan trọng có thể tiếp tục đẩy giá vàng lên cao là Trung Quốc. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã khởi động một chương trình thí điểm cho phép các công ty bảo hiểm nước này đầu tư tối đa 1% tài sản vào vàng.
Theo ước tính của BofA, nếu các công ty bảo hiểm Trung Quốc tận dụng mức trần 1%, lượng vốn đổ vào vàng có thể đạt khoảng 180-200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 25-28 tỉ USD). Điều này có thể tạo ra nhu cầu mua thêm 300 tấn vàng, chiếm khoảng 6,5% tổng nhu cầu thị trường vật chất hàng năm. Đây là một bước đi quan trọng trong việc duy trì động lực tăng giá của vàng trong dài hạn.
Ngân hàng Mỹ dự báo giá vàng tăng tới 3.500 USD/ounce. Ảnh: Kitco
Không chỉ có Trung Quốc, thị trường vàng tại Mỹ cũng đang chứng kiến những biến động đáng kể. Widmer cho biết, một trong những yếu tố khiến giá vàng hợp đồng tương lai tăng mạnh là lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền ông Trump đã đe dọa áp thuế 25% đối với vàng nhập khẩu từ Canada và Mexico. Hiện tại, sản lượng vàng nội địa của Mỹ chỉ đáp ứng 17% nhu cầu, trong khi phần còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ hai quốc gia này.
Để tránh các rủi ro từ thuế quan, các nhà đầu tư và ngân hàng đã tăng cường chuyển vàng về Mỹ, khiến giá hợp đồng tương lai trên sàn CME (Chicago Mercantile Exchange) tăng mạnh so với giá vàng vật chất.
Ngoài yếu tố thuế quan, Widmer cũng nhấn mạnh rằng sự dịch chuyển vàng ồ ạt từ London sang New York đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường London – trung tâm giao dịch vàng vật chất lớn nhất thế giới – đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các nhà đầu tư. Điều này khiến chi phí thuê vàng tăng mạnh, tạo thêm áp lực lên giá vàng.
Các nhà máy tinh luyện vàng lớn trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung. Thông thường, các nhà máy này phải thanh toán cho nguồn nguyên liệu ngay sau khi nhận hàng, nhưng họ chỉ nhận được tiền khi vàng đã qua tinh luyện và được bán ra thị trường. Khi nhu cầu vàng tăng mạnh, họ buộc phải vay thêm vàng để duy trì sản xuất, đẩy chi phí vay vàng lên cao.
Widmer cho rằng nếu nhu cầu đầu tư toàn cầu chỉ cần tăng thêm 1%, giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce. Nhưng nếu nhu cầu tăng 10%, giá vàng có thể chạm mức 3.500 USD/ounce.
“Mức tăng này là rất lớn, nhưng không phải là không thể” – Widmer nhận định.
Hiện tại, tâm lý thị trường đang nghiêng về xu hướng lạc quan, với nhiều nhà đầu tư coi vàng là kênh trú ẩn an toàn trước bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Nếu dòng vốn tiếp tục đổ vào kim loại quý, kịch bản dự báo giá vàng chạm 3.500 USD/ounce có thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.