Nhắc đến những thiết bị quen thuộc, hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của các gia đình hiện nay, không thể không nhắc tới chiếc lò vi sóng. Thiết bị sử dụng sóng vi ba, từ đó hâm nóng thức ăn, hay quay nóng đồ uống, và cả rã đông thực phẩm… trong thời gian ngắn. Việc điều chỉnh lò vi sóng cũng được đánh giá là vô cùng đơn giản. Người dùng chỉ cần lựa chọn thời gian và mức nhiệt tương ứng trên bảng điều khiển của thiết bị.
Quen thuộc là vậy tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các lưu ý khi sử dụng lò vi sóng. Vấn đề sau đây là một ví dụ, thậm chí nhiều người đã từng mang nó lên các diễn đàn như Quora hay Reddit để xin tư vấn. Đó là việc: Có nên quay cả túi nilon với lò vi sóng hay không?
“Tôi có một chiếc bánh được bọc trong túi nhựa và người bán khuyên tôi rằng hãy làm nóng bánh khoảng 30 giây trước khi ăn. Vậy tôi có nên làm nóng cả chiếc túi không”, người dùng có tài khoản Kuwait đăng tải trên Reddit.
Người dùng thắc mắc có nên quay cả túi nilon trong lò vi sóng hay không (Ảnh Reddit)
Vậy lời giải đáp hợp lý cho vấn đề này là gì?
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Trên thực tế, đối với người Việt nói riêng, túi nilon hay các loại túi nhựa được xem là một trong những vật dụng xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống. Chúng vô cùng quen thuộc và thường xuyên được sử dụng để đựng nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Tuy nhiên, túi nilon đã được các chuyên gia khuyến cáo rằng: TUYỆT ĐỐI không sử dụng trong lò vi sóng hay xử lý ở nhiệt độ cao. Điều này được Jeannie Nichols – Giáo viên lâu năm tại Đại học bang Michigan – Mỹ khẳng định trong bài viết có tựa đề: Các cách để nấu ăn an toàn với đồ nhựa.
Túi nilon khi cho vào lò vi sóng có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới thực phẩm, sức khỏe người dùng, thậm chí là cháy nổ (Ảnh minh họa)
Về bản chất, túi nilon có thành phần cấu tạo lớn là từ nhựa, lại là loại nhựa không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Chúng sẽ sản sinh ra các hạt vi nhựa, thậm chí bị đun nóng chảy một phần hoặc hoàn toàn, từ đó thẩm thấu vào thức ăn. Không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Nhiều người dùng cho rằng, nếu chỉ cho túi nilon vào lò vi sóng trong thời gian ngắn và nhiệt độ thấp thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, lời khuyên từ các chuyên gia vẫn là tốt nhất không nên thực hiện việc cho mọi loại túi nilon vào lò vi sóng dù cho thời gian và nhiệt độ là bao nhiêu.
Bên cạnh túi nilon, các loại túi giấy, túi nhựa cứng có khóa zip, hộp xốp, hộp giấy dùng 1 lần hay giấy bạc, cũng nằm trong danh sách những thứ không được cho vào lò vi sóng. Một số loại như túi, hộp giấy hay giấy bạc có thể cháy nổ trong quá trình lò vi sóng hoạt động.
Túi giấy, hộp xốp hay giấy bạc là những thứ cũng nằm trong danh sách tuyệt đối không cho vào lò vi sóng (Ảnh minh họa)
Với màng bọc thực phẩm hay các loại hộp nhựa chuyên dụng đựng thực phẩm, trước khi cho vào lò vi sóng, người dùng cần kiểm tra kỹ các ký hiệu hay các hướng dẫn sử dụng được ghi rõ ở bao bì sản phẩm. Các loại an toàn khi dùng trong lò vi sóng thường sẽ có ký hiệu thiết bị, hoặc có ký hiệu chất liệu, làm từ nhựa số 5 PP hoặc BPA Free.
Trên thị trường hiện nay cũng có một số loại hộp giấy, hộp bìa có thể xử lý với lò vi sóng. Tuy nhiên số lượng vẫn còn khá ít và chưa quá phổ biến. Các chuyên gia nói thêm, dù được cho phép song các loại hộp giấy này vẫn có giới hạn nhất định về nhiệt độ và thời gian quay trong lò vi sóng.
Các loại hộp nhựa, màng bọc an toàn với lò vi sóng cần có ký hiệu cụ thể (Ảnh minh họa)
Những lưu ý dùng lò vi sóng an toàn, hiệu quả
Bên cạnh những thứ không nên cho vào lò vi sóng, cũng có những lưu ý khác mà người dùng cần biết và nắm được để việc sử dụng thiết bị được an toàn và hiệu quả.
1. Đặt lò vi sóng ở vị trí hợp lý
Lò vi sóng tốt nhất nên được đặt ở vị trí thông thoáng, thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên người dùng cần lưu ý đặt thiết bị xa nguồn nước như bồn rửa, hay xa các thiết sinh nhiệt lớn khác như bếp nấu, tủ lạnh, lò nướng.
Cũng không nên đặt lò vi sóng quá sát tường. Việc làm này sẽ ảnh hưởng tới quá trình tản nhiệt của thiết bị, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.
Ảnh minh họa
2. Đóng/mở lò vi sóng đúng lúc
Khi thiết bị đang hoạt động chu trình của mình, hãy đảm bảo lò vi sóng đã được đóng kín để không gây nguy hiểm cho người dùng bên ngoài, đồng thời giúp thiết bị hâm nóng thực phẩm một cách tối ưu.
Sau khi thiết bị đã kết thúc chu trình hoạt động, từ từ mở cửa và lấy thực phẩm ra rồi lại đóng cửa thiết bị lại. Việc làm này giúp cho lò vi sóng không gây lãng phí điện năng hay các bất tiện khác trong sinh hoạt của người dùng.
Ảnh minh họa
3. Vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ lò vi sóng
Tùy vào tần suất sử dụng mà gia đình nên xây dựng lịch vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ cho thiết bị. Tốt hơn hết lò vi sóng nên được vệ sinh hàng ngày cả bên trong và ngoài thiết bị. Còn việc bảo dưỡng có thể tiến hành 4-6 tháng/lần.