Năm 32 trước công nguyên, Hán Thành Đế Lưu Ngao lên vị. Ông không muốn nhìn đám hậu cung tàn hoa bại liễu nên đã bỏ ra chút tiền để cho họ về quê. Sau đó xuống một chiếu thư, tuyển chọn những mỹ nữ trong phạm vi toàn quốc, cuối cùng trong 3000 giai lệ trúng tuyển, ông đã mê đắm Ban Tiệp Dư ngay lập tức.
Ban Tiệp Dư chính là con gái của việt kỵ hiệu úy Ban Huống. Vẻ đẹp và khí chất của bà nổi bật lên trong đám hậu cung son phấn lượt là, cực kỳ được Hán Thành Đế sủng ái.
Ban Tiệp Dư rất có tài văn học, đặc biệt là thuộc các sự kiện lịch sử, thường xuyên trích dẫn những điển tích năm xưa, giải bỏ những nỗi sầu trong lòng của Hán Thành Đế. Hơn nữa, bà còn giỏi gảy đàn tranh, khiến Hán Thành Đế đắm chìm trong âm thanh của tiếng đàn. Tình cảm của cả hai vô cùng bền chặt, nồng nàn. Đối với Hán Thành Đế mà nói, Ban Tiệp Dư không những là một thị thiếp, mà còn là một người thầy, một người bạn, một hồng nhan tri kỷ.
Vương Thái Hậu cũng rất hài lòng về Ban Tiệp Dư, thường so sánh bà với Phàn Cơ – Công chúa nước Phàn, là Vương hậu của Sở Trang vương, một người vô cùng thông minh và dũng cảm. Nhưng đáng tiếc, Hán Thành Đế lại không phải là Sở Trang Vương – Một vị quân chủ nước Sở thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông vừa không phải là anh hùng tài giỏi, cũng chẳng muốn xây dựng lên bá nghiệp gì, chỉ suốt ngày đắm mình trong tửu sắc, chơi đùa với cuộc đời, tận hưởng sắc đẹp.
Trong khoảng thời gian đó, Ban Tiệp Dư đã hạ sinh một người con trai, Hán Thành Đế vui sướng thông báo cho cả thiên hạ biết. Chẳng ngờ chỉ vài tháng sau, người con trai này lại chết yểu. Nhiều năm sau đó, Ban Tiệp Dư chẳng sinh thêm được người con nào nữa. Hi vọng được làm mẹ hết lần này đến lần khác trở thành thất vọng khiến Ban Tiệp Dư ngày càng trở nên u uất, âu sầu.
Rảnh rỗi không có việc gì làm, bà ngồi trước bàn kỷ án, tay cầm “Thi Kinh”, “Yểu điệu”, “Đức tượng” trầm lặng đọc thưởng thức. Những ngôn từ có liên quan tới đạo đức, dung mạo, tài năng, công việc của người phụ nữ đều có ảnh hưởng rất lớn tới cử chỉ hành động của bà. Bà dựa theo tiêu chuẩn trong sách để yêu cầu bản thân một cách nghiêm khắc. Và chính điều ấy cũng khó tránh khỏi việc đưa những tiêu chuẩn ấy áp đặt hóa vào đời sống của mọi người xung quanh, bà luôn muốn lấy hành động thực tế của bản thân để ảnh hưởng tới cách trị vì của Hán Thành Đế, khiến ông ôm trọn được thiên hạ, trở thành một vị vua có đức có tài.
Người ta thường nói cái gì tốt quá thì sẽ phản tác dụng. Sự trang trọng, quy tắc, cái gì cũng đủ chừng mực của Ban Tiệp Dư khiến Hán Thành Đế dần trở nên cảm thấy có áp lực. Đó chính là lý do bà bị thất sủng, là nguồn gốc của mọi mối họa.
Có một lần, Hán Thành Đế mặc thường phục đi vi hành, vô tình đi tới trước cửa phủ công chúa A Dương, bên trong có tiếng nhạc du dương, tiếng cười huyên náo. Hán Thành Đế thấy buồn chán, ma xui quỷ khiến thế nào lại bước vào trong. Bên trong đang trình diễn một tiết mục ca múa loại hình lớn, người con gái đang dẫn đầu đoàn múa đứng ở giữa đó, gương mặt mơn mởn như gió xuân, khuynh quốc khuynh thành.
Bốn mắt nhìn nhau, Hán Thành Đế rung động, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông cảm thấy người con gái này cực kỳ giống Ban Tiệp Dư hồi trẻ nhưng hoạt bát năng động hơn Ban Tiệp Dư nhiều. Đặc biệt là đôi mắt biết nói kia, thực sự vô cùng cuốn hút người nhìn. Thế là Hán Thành Đế nói với công chúa A Dương rằng ông muốn cô gái này. Và người ấy không phải ai khác mà chính là Triệu Phi Yến nổi tiếng trong lịch sử.
Sau khi Triệu Phi Yến vào cung, vì thân thể nhẹ nhàng như chim yến, có thể múa lượn một cách uyển chuyển nên được Hán Thành Đế độc sủng. Sau này, bà lại đem em gái mình là Triệu Hợp Đức hiến cho Hán Thành Đế, hai chị em yến yến oanh oanh, thay phiên nhau thị tẩm làm Hán Thành Đế mê muội thất điên bát đảo, quên luôn rằng trong hậu cung vẫn còn những phi tần khác.
Hứa hoàng hậu có một người chị tên là Hứa Yết, hôm đó vào cung thăm em gái, thấy em gái than ngắn thở dài, tiều tụy ốm yếu nói từ khi hai chị em nhà Triệu vào hậu cung, hai năm nay Hán Thành Đế đã chẳng thèm tới cung của bà. Thế là bà chỉ cho em gái một chiêu, bảo bà mời thầy pháp lập đàn làm phép, cầu xin trời ban con. Và nói rằng chỉ cần có con, mẹ quý nhờ con, như thế thì sao phải sợ mấy kẻ vũ nữ ngoài đường.
Hứa hoàng hậu nhất thời bồng bột, nghe lời chị gái. Chị em nhà Triệu sau khi biết chuyện này, hai người bọn họ còn đang âu sầu không biết nên hạ bệ Hứa hoàng hậu như thế nào, thế này thì tốt rồi, nắm được thóp rồi. Hai chị em kẻ thêm mắm, kẻ dặm muối kể hết mọi hành động của Hứa hoàng hậu cho Hán Thành Đế nghe. Hơn nữa còn cố tình nhấn mạnh, Hứa hoàng hậu trù ẻo hai chị em họ thì thôi lại còn muốn trù ẻo bệ hạ. Hán Thành Đế nghe vậy phẫn nộ, không thèm điều tra trắng đen đúng sai mà hạ chỉ đem Hứa Yết ra chém đầu, thu hồi ấn thụ của Hứa hoàng hậu, phế truất khỏi Chiêu Đài Cung.
Hai chị em nhà Triệu nào chịu bỏ qua, bọn họ còn muốn nhân cơ hội này lật đổ luôn cả Ban Tiệp Dư – người có sự uy hiếp lớn nhất. Thế nên đã vu oan cho Ban Tiệp Dư, nói bà cũng tham gia vào vụ trù yểm đó, là đồng bọn của Hứa hoàng hậu, cũng cần phải bị trị tội.
Hán Thành Đế nghe vậy tin ngay lời bịa đặt của họ, gọi Ban Tiệp Dư tới để thẩm vấn. Ban Tiệp Dư ung dung trả lời: “Thần thiếp biết tuổi thọ và sự giàu nghèo của con người đều là do ông trời sắp đặt, tu dưỡng chưa chắc đã có thể có được phúc, vậy thì làm mấy thứ tà độc liệu có ích lợi gì. Thiếp không những không dám làm mà còn thấy không đáng để làm”.
Hán Thành Đế nghĩ lời nói của Ban Tiệp Dư cũng có lý, với phẩm chất và cốt cách của bà cũng không thể làm ra những chuyện như thế được. Hán Thành Đế cảm thấy cực kỳ áy náy, không những không trị tội Ban Tiệp Dư mà còn thưởng cho bà không ít tiền bạc châu báu. Tiếp đó, Hán Thành Đế lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu, cho bà ta quyền lực của mẫu nghi thiên hạ. Lại lập em gái bà ta làm Chiêu Nghi.
Ban Tiệp Dư là một người phụ nữ có phẩm hạnh đoan chính, bà chán ghét sự tranh giành, đấu đá, đố kỵ ghen ghét trong chốn hậu cung. Để tránh những thị phi sau này, không để bản thân trở thành Hứa hoàng hậu thứ hai, sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, bà quyết định tự bảo vệ chính mình, rút lui nhanh gọn. Thế là bà viết một bài tấu chương, lấy cớ Vương thái hậu tuổi đã cao, cần có một người con dâu ở bên cạnh phụng dưỡng, xin Hán Thành Đế cho bà tới cung phụng dưỡng Thái hậu.
Hán Thành Đế và chị em nhà Triệu đang vội đi săn ở bên ngoài ngoại ô, cũng không níu giữ Ban Tiệp Dư, sau khi đọc tấu chương xong lập tức đóng dấu “phê chuẩn” lên đó. Ban Tiệp Dư lập tức sắp xếp hành trang chuyển tới Trường Tín cung ngay trong ngày hôm đó. Mỗi ngày trời vừa mới tờ mờ sáng thì bà đã thức dậy, bắt đầu quét dọn sân vườn trong Trường Tín cung. Ngoài việc hầu hạ thái hậu thắp nhang cầu phật, thời gian còn lại sẽ trải giấy mài mực, tô tô viết viết, trút tâm tư trong lòng.
Sau này, Hán Thành Đế băng hà ở cung Vị Ương. Ban Tiệp Dư xin được phép thủ lăng cho Hán Thành Đế, Vương thái hậu thấy Ban Tiệp Dư tình chân ý thật, liền phê chuẩn cho bà. Ban Tiệp Dư tắm gội sạch sẽ, mặc y phục bằng vải xô, ngày ngày ở cùng người đá ngựa đá, giết thời gian ngày này tháng nọ trong quãng đời còn lại. Khoảng một năm sau, người từng là một tài nữ xinh đẹp như hoa, đi theo bước chân của Hán Thành Đế cũng đi về thế giới bên kia.
Lúc sinh thời, Ban Tiệp Dư đã để lại nhiều tác phẩm nhưng đa số đều đã bị thất truyền, để lại được đến ngày nay có 3 bài là “Tự thương phú”, “Đảo tố phú” và một bài thơ ngũ ngôn “Đoàn phiến ca”. Cuộc đời của bà, từ phồn hoa tới đìu hiu, từ đắc sủng hậu cung cho tới giai nhân thất thế, là cảnh ngộ của đa số các mỹ nữ giai nhân trong hậu cung của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Là một người phụ nữ hoàn hảo. Hiểu đại cục, biết xử lý công việc, làm một người khiêm tốn, biết bảo toàn chính mình. Đối với tình yêu, bà là một người trung trinh, cho dù Hán Thành Đế có như thế nào thì bà vẫn thủ lăng cho ông. Hơn nữa, sau khi qua đời cũng mai táng cùng với Hán Thành Đế. Một người phụ nữ hoàn hảo đến vậy, dù cho đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử thì mọi người vẫn luôn nhớ tới bà.